Sim Tím

Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa. Còn gọi là hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê là một loài thực vật có hoa thuộc họ Myrtaceae, có nguồn gốc bản địa ở khu vực nam và đông nam Á, từ Ấn Độ về phía đông tới miền Nam Trung Quốc, Đài Loan và Philippines, và về phía nam tới Malaysia và Sulawesi. Loài này thường mọc ở ven biển, trong rừng tự nhiên, ven sông suối, trong các rừng ngập nước, rừng ẩm ướt, và tại độ cao đến 2400 m so với mực nước biển.


Rễ, lá và quả

Rễ, lá và trái sim được dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, có tác dụng bổ huyết, an thai. Tại Trung Quốc: Sim được ghi chép trong Bản thảo cương mục thành 2 vị thuốc: trái là đào kim nương hay sơn niệm tử, còn rễ là sơn niệm căn. Sim được xem là có vị ngọt/chát, tính bình. Quả sim được cư dân các vùng miền núi hái ăn chơi, và trước đây có bày bán ở chợ. Ở Phú Quốc, quả sim còn được khai thác để làm các món đặc sản như Mật sim hay Rượu sim.

Hoa

Hoa thường nở rộ vào mùa hè với màu tím. Hoa sim là biểu tượng mà nhiều đôi trai gái miền quê dùng để bày tỏ tình cảm và cũng là biểu tượng của sự chung thủy.

Hoa sim trong nghệ thuật

Ở Việt Nam, có một số nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm về hoa sim. Nhiều người Việt Nam biết tới bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Tác phẩm này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác nên nhiều ca khúc về sim, có thể kể đến:

“Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy)
“Chuyện hoa sim”, “Tím cả chiều hoang” (Anh Bằng)
“Màu tím hoa sim” (Duy Khánh & Trọng Khương)
“Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh)

Từ đó hoa sim cũng trở thành một hình ảnh ưa chuộng trong sáng tác nhạc:

“Chiều bên đồi sim” (Đài Phương Trang)
“Chuyện người con gái hái sim” (Hồng Vân)